Vợ anh Trần Văn Kiên (thị xã Hồng Lĩnh) XKLĐ ở Thái Lan từ năm 2004. Suốt 11 năm nay, anh đảm nhiệm vai trò vừa làm bố vừa “làm mẹ” để nuôi 3 con nhỏ. Đứa lớn năm nay vừa tròn 8 tuổi, đứa bé mới 8 tháng tuổi, chưa kịp cai sữa mẹ.
Những ngày đầu, anh Kiên phải xoay xở từ sáng sớm đến tối mịt. Anh phải lo từ việc đồng áng đến nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, cho con uống sữa, thay tã...
“Có vợ ở nhà thì vợ chồng cùng quán xuyến việc gia đình sẽ đỡ vất hơn, nhưng tôi chỉ có một mình nuôi con nên rất cực. Có những đêm con quấy, khóc ngặt nghèo, tôi phải nhờ đến người thân, họ hàng tới trông”, anh Kiên nói.
“Nhờ XKLĐ mà nhiều người dân phường Đậu Liêu đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây nhà lầu, sắm xe hơi. Không ít người định cư, nhập quốc tịch nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình do xa cách nhau nhiều năm không ít người ngoại tình, sa vào nghiện ngập, chơi bời, không lo làm ăn, gia đình đổ vỡ, ly hôn”.
Bà Thái Thị Điểm, Chủ tịch hội LHPN phường Đậu Liêu.
Anh Hoàng Mỹ Đức (ở phường Đậu Liêu) vợ đi XKLĐ ở Đài Loan hơn 3 năm nay cho biết, ngoài những việc đi chợ, nấu ăn, đưa đón con đến trường, dạy con học, còn phải tư vấn những kiến thức giới tính cho con gái đến tuổi dậy thì, thay đổi tâm lý, cảm xúc... Anh Đức còn phải nhờ em vợ giúp đỡ, tư vấn những vấn đề “nhạy cảm” cho con gái.
Cuộc sống nghèo khó, năm 2006, chị Thái Thị Hằng ở phường Đậu Liêu bán vườn sang Đức XKLĐ với hy vọng đổi đời. Chồng là anh Phạm Anh Tuấn cùng hai đứa con nhỏ là Phạm Thị Hằng (học lớp 2) và Phạm Việt Hoàng Sơn (học mẫu giáo).
Chị Hằng giúp việc ở đất khách quê người, kinh tế gia đình ngày càng đi lên, có tiền xây nhà lầu. Nhưng từ đây, cuộc sống gia đình chị rẽ sang ngã khác. Chị Thái Thị Vượng, chị gái chị Hằng cho biết, khi Hằng vất vả lao động ở nước ngoài, ở nhà, chồng chị bắt đầu dính vào bài bạc, bồ bịch.
Cuối năm 2009, chị Hằng về nước, tưởng sẽ được hạnh phúc bên gia đình, nhưng với những chuyện ghen tuông, vợ chồng thường xuyên cãi vã, đánh đập nhau, nhiều lần chính quyền địa phương phải can thiệp.
Nhà cao cửa rộng (ảnh nhỏ) không thể lấp đầy khoảng trống của những đứa trẻ thiếu hơi ấm bố, mẹ.
Nhà cao cửa rộng (ảnh nhỏ) không thể lấp đầy khoảng trống của những đứa trẻ thiếu hơi ấm bố, mẹ.
Không thể chung sống cùng nhau, hai người quyết định ly hôn. Con gái lớn theo mẹ còn em trai theo bố.
“Ly hôn được mấy tháng người chồng lấy vợ khác, Hằng gửi con gái cho gia đình em trai chăm sóc, tiếp tục đi XKLĐ sang Angola kiếm tiền nuôi con ăn học. Không thích sống cùng dì, Hoàng Sơn về nhà cậu sống cùng cậu và chị gái. Hằng tháng, Hằng gửi tiền về cho con ăn học”, chị Vượng kể.
Nói về chuyện ly hôn khi đi XKLĐ, người dân phường Đậu Liêu nhắc câu chuyện của vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Long và bà Đào Thị Trang như một bài học. Gia đình nghèo, lại đông con, năm 2000, vợ ông Long đi XKLĐ ở Đài Loan.
Thời gian đầu, có tiền vợ gửi về kinh tế gia đình bớt khó khăn, con được học hành tử tế. Những tưởng có cơ hội thoát nghèo, nhưng không ngờ sau lần XKLĐ đó, ông Long mất luôn cả vợ.
Sang Đài Loan giúp việc được hơn 6 năm, bà Trang trở về mang theo đơn ly hôn soạn sẵn. Để việc ly hôn dễ dàng, bà lừa chồng - con làm thủ tục ly hôn để sang bên kia làm việc được nhiều quyền lợi hơn, về nước đăng ký kết hôn lại.
Tin vợ, ông Long ký đơn mà không mảy may nghi ngờ. Lúc sắp sang Đài Loan làm việc trở lại, bà Trang tiếp tục xin phép chồng cho bà đăng ký kết hôn với một người Đài Loan, với lý do là kết hôn giả để hưởng quyền lợi khi xuất ngoại.
“Sang Đài Loan, bà Trang cắt đứt liên lạc với chồng, con, sống với người chồng mới. Lúc biết chuyện, xóm làng ai cũng bất ngờ. Mấy năm sau, ông Long bị bệnh tai biến mạch máu não nằm một chỗ cho đến bây giờ. May con cái của ông cũng đã lớn, hằng ngày lo lắng, chăm sóc bố”, ông V.C - người nhà ông Long kể.
Người phường Đậu Liêu nhẩm tính, phường có 5 gia đình ly hôn vì XKLĐ. Khi ở nhà, đang nghèo khó, họ vẫn sống hạnh phúc. Nhưng khi đi XKLĐ về có tiền, lại thường xuyên cãi nhau, dẫn đến kiện nhau ra tòa. Chỉ khổ mấy đứa trẻ con.