Tại hội nghị nâng cao chất lượng
xuất khẩu lao động sáng 8-3, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định: hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém.
Đặc biệt, nguồn lao động còn hạn chế về ngoại ngữ, tay nghề, kỷ luật. Tình trạng lạm thu phí vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp (DN) XKLĐ khiến dư luận bức xúc...
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2016 lần đầu tiên hoạt động XKLĐ cán mốc đưa 126.000 người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 68.244 lao động đi Đài Loan, 39.938 lao động đi diện
thực tập sinh Nhật Bản (tăng 47,86%), 8.482 lao động đi Hàn Quốc (tăng 40,92%). Một số thị trường khác: Malaysia: 2.070 lao động, Ả-rập Xê-út: 4.033 lao động, An-giê-ri: 1.179 lao động, Ca-ta: 702 lao động,...
Tuy nhiên chất lượng nguồn lao động còn thấp, tỉ lệ lao động trốn ở lại nước ngoài khi hết hợp đồng còn cao; trong nước DN phản ảnh vẫn có quá nhiều “giấy phép con”...
Ông Nguyễn Văn Minh, chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa, giãi bày: “DN XKLĐ chúng tôi rất sợ khi phải về huyện để tìm nguồn, bị ngăn cản, không cho tiếp cận với các xã, với người lao động, dù chúng tôi tìm hiểu biết các xã người dân rất có nhu cầu đi XKLĐ. Chúng tôi có khi chờ 3 tháng vẫn không được huyện cho vào, vì như lãnh đạo huyện nói: phải chờ thường vụ huyện họp cho ý kiến...”.
Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cắt ngang: “Vậy ở đây là cái gì?”. Ông Minh đáp: “Chúng tôi ghi nhận bộ hay UBND tỉnh đã trải thảm đỏ mời chúng tôi, nhưng ở bên dưới, cấp huyện thì lại... rải đinh”. Thậm chí theo ông Minh, khi người của DN cố xuống tiếp cận dân thì có lần còn bị công an xã giữ đến tận hôm sau mới thả!
Nhiều DN cũng phản ảnh bị tình trạng tương tự. Ông Đàm Trung Bắc, tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ nhân lực toàn cầu (TP.HCM), cho biết chuyện làm khó như vậy là thường, dù có giấy giới thiệu của bộ, của tỉnh.
Sẽ rút giấy phép các DN yếu kém
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói ông ủng hộ việc chấn chỉnh hoạt động của các DN XKLĐ, rà soát chỉnh sửa những bất cập. Bên cạnh đó, ngành lao động cùng các DN “cần mở rộng thị trường, không chỉ mở các quốc gia mà ngay quốc gia đang có cũng cần mở rộng các phân khúc”.
Về “giấy phép con”, Phó thủ tướng cho rằng các DN cần phải xem lại mình, vì không hẳn DN nào cũng tốt, cũng uy tín. Vì DN không tốt nên dẫn đến “cò”, dẫn đến tiêu cực, dẫn đến việc địa phương thiếu tin tưởng. “Nếu cần, Bộ
LĐ-TB&XH cứ đề xuất, Chính phủ sẽ có văn bản gửi các địa phương, phải chấn chỉnh ngay các vướng mắc trong hoạt động XKLĐ” - ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết từ nay đến năm 2020 và những năm tới, chủ trương XKLĐ là phải giữ được thị trường truyền thống, có thu nhập ổn định như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Thứ hai là mở thị trường mới và thứ ba là mở đối tượng. Tức ngoài lao động phổ thông, xây dựng đề án đưa những lao động có trình độ cao, có kỹ thuật ra nước ngoài làm việc.
Ông Đào Ngọc Dung cho biết sẽ có những quy định và điều kiện chặt chẽ hơn để chỉ những DN thực sự mạnh mới được tham gia hoạt động XKLĐ. Bộ sẽ kiên quyết xử lý các DN giao nhiệm vụ không đúng quy định, tuyển chọn lao động thông qua “cò”, môi giới, không tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho người lao động, thu phí vượt mức quy định, không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
DN nào yếu kém, hoặc DN sau khi cấp phép 12 tháng mà vẫn chưa đưa được lao động đi, hoặc DN suốt 5 năm qua không đưa được lao động đi thì sẽ bị rút giấy phép.